Hôm nay đọc một cuốn sách

Thứ Năm, 13/03/2008, 21:34 (GMT+7)

Hôm nay đọc một cuốn sách

Những bạn đọc trẻ đọc sách và chọn sách tại Hội sách 2008  – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trong khi một số người lo ngại về “cái sự đọc”, doanh thu từ sách vẫn tăng đều đặn: năm 2007 đạt 1.393 tỉ đồng, tăng trên 100% so năm 2006, nói “nôm na” là bình quân đầu người Việt Nam (vì không phải cả 85 triệu người đều đọc được sách) chi tiêu hơn 16.000 đồng/năm để mua sách

Tôi đọc Rừng Na Uy không phải vì dư luận xung quanh nó, mà là vì Trịnh Lữ. Tôi đã tin ông từ Cuộc đời của Pi và Con nhân mã ở trong vườn. Tôi thấy tin một người đáng tin thì dễ hơn nhắm mắt nghe lời cả một rừng người.

Mỗi ngày tôi đều đọc chữ, như tôi ăn, tôi ngủ và tôi suy nghĩ. Đọc sách là tốt. Như tôi đã lớn tới chừng này, mỗi ngày vẫn có người khuyên tôi hãy chăm đọc sách. Nhưng tôi chỉ đọc toàn những thứ viễn vông (chưa chắc có tốt hay không). Tôi thích đọc tiểu thuyết. Ban đầu là vì nó có câu chuyện nào đó, nó nhiều chữ và khi gấp sách lại rồi tâm trí vẫn còn cảm giác chưa xong, nhưng sau nghĩ lại, thấy còn những lý do khác nữa nhưng không thể nói ra rành mạch được.

Bây giờ, mỗi ngày, tôi mua một cuốn sách (một cuốn truyện), cũ có, mới có, rồi đọc, tự nhiên mà có nhu cầu như vậy. Một nhu cầu bức thiết, dẫu ít tiền, cũng không thể đơn giản nó đi được. Nó giúp mình vui sống. Đâu phải chỉ toàn đọc niềm vui. Những câu chuyện buồn cũng có ích, cũng giúp mình vui sống.

Nói vậy thôi chứ nhiều khi tôi vẫn đọc sách sử. Nhưng học môn lịch sử thì lại chán vì  nhiều lúc phải nhìn mọi việc đã xảy ra theo ý của người khác. Tôi không thích như vậy, nhưng không phải vì tôi có ý kiến riêng của mình. Tôi không có ý kiến nào hết. Tôi chỉ đọc và ngẫm nghĩ về các sự việc mà thôi.

Hồi tôi học năm thứ hai ở trường đại học, có một cô giáo dạy môn lịch sử văn minh. Cô không đẹp nhưng dạy hay đến nỗi giảng đường lớn không còn chỗ trống và chúng tôi thuộc bài một cách tự nhiên, thi không cần ôn lại. Nhưng cô nói thật may vì cô dạy môn lịch sử văn minh, chỉ cần chỉ ra những thành tựu này, thành tựu kia, rồi kể các câu chuyện xung quanh nó, rồi cho hay ngày nay nó còn lại được cái gì. Cô mừng vì chỉ phải làm như vậy. Và cô kết luận, vì cô tránh được cái công việc “mặc áo cho lịch sử” (theo lời của cô) nên mới thu hút được tụi trẻ chúng tôi.

Tôi thấy cô nói đúng quá. Ai mà không ham tô điểm cho mọi điều theo ý của mình, cô giáo tôi gọi là “mặc áo” cho nó. Nhưng sơn phết cho nó theo ý mình rồi thì chỉ nên giữ nó cho riêng mình thôi, không thể áp đặt cho người khác được. Cô giáo tôi tự nhận mình là người già tuổi, nhưng còn nhạy cảm, hiểu được lòng bọn trẻ tụi tôi, chớ cô cũng không có bí quyết dạy hay gì! Khi cầm tấm bằng đại học năm năm, người tôi nhớ nhất chính là cô, dù môn của cô thật phụ, chỉ học mấy mươi tiết trong nửa học kỳ.

Tôi thích lời đề từ của Rừng Na Uy: Để tưởng nhớ nhiều kỳ nghỉ học. Tôi ngồi nhẩm tính quyển sách xuất bản lần đầu năm 1987, Haruki Murakami sinh năm 1949. Sách in khi tác giả đã 38 tuổi. Tính chơi thôi chớ làm sao mà biết được ông viết quyển sách khi nào. Không thể biết được nhưng lòng tôi vẫn chắc rằng khi viết lời đề từ ấy, ông còn ở tuổi đôi mươi. Tôi nghĩ dù là một nhà văn, chỉ khi còn trẻ, người ta mới có thể viết được một câu (đề từ sách) vu vơ mà lay động lòng bọn trẻ chúng tôi đến vậy! Chúng tôi thấy tin ông, như tin một người bạn thân hiểu lòng mình.

Khi cầm quyển sách, tôi nghĩ “Một ông người Nhật lạ hù”. Cũng như khi cầm Cái trống thiếc, tôi đã nghĩ “Một ông nhà văn người Đức lạ hù” (ở đây tôi tin Gunter Grass là nhà văn trước khi đọc sách vì ông đã đoạt giải Nobel rồi ta mới dịch Cái trống thiếc mà phát hành cho mọi người thưởng thức).

Ông người Nhật ấy viết về câu chuyện của những người trẻ, tràn ngập những điều vu vơ, những khoảnh khắc bất chợt, những trẻ trung và những u buồn. Và tình yêu. Và tình bạn. Và thật lạ kỳ, đọc nó rồi, tôi – một người trẻ – mới lần đầu nhận ra rằng tâm tư của những người trẻ thấy vậy mà cứ đứng im lặng lẽ, đời này đời nọ vẫn chưa bao giờ thay đổi.

Theo NGUYỄN THỊ NHƯ KHANH – Sài Gòn Tiếp Thị

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=247303&ChannelID=10

Leave a comment